Kiểm tra vị trí từ khóa việc quan trọng và cần làm thường xuyên trong SEO.
Để kiểm tra vị trí từ khóa, bạn có thể check thủ công, hoặc dùng công cụ.
Mỗi cách làm đều có ưu và nhược điểm riêng.
Trong bài viết này, Quang sẽ liệt kê một vài công cụ thường dùng để bạn tham khảo.
Ngoài ra, Quang sẽ đánh giá thêm độ chính xác, chi phí, có dễ dùng hay không, thời gian và công sức kiểm tra, hình thức thanh toán và các chỉ số SEO khác để bạn lựa chọn công cụ phù hợp cho mình.
Chúng bao gồm:
- Kiểm tra thủ công
- SpinEditor (Việt Nam)
- Google Search Console (Việt Nam)
- Helu Rank (Việt Nam)
- Ahrefs (nước ngoài)
- SERPLAB (nước ngoài)
- Authority Lab (nước ngoài)
- Rank Checker (nước ngoài)
1. Kiểm tra thủ công
– Ưu điểm miễn phí, dễ làm, bạn không cần dùng công cụ hỗ trợ. Bạn gõ từ khóa lên Google, và xem trang web mình đang ở vị trí nào. Rất đơn giản.
– Nhược điểm là bạn chỉ nên kiểm tra một vài từ, chứ kiểm tra vài chục từ là bạn đuối ngay, vì phải làm thủ công. Ngoài ra, bạn cần dùng trình duyệt khách / ẩn danh, việc điều chỉnh lại loại công cụ tìm kiếm, vị trí địa lý, ngôn ngữ sẽ khiến bạn tốn thời gian. Nếu không chỉnh lại, kết quả sẽ không chính xác.
2. SpinEditor (Việt Nam)
– Ưu điểm là rất dễ sử dụng, miễn phí dùng thử 3 ngày, độ chính xác cao, không giới hạn số lượng từ khóa kiểm tra. Chi phí thấp, 30k/ tháng. Bạn còn có thể kiểm tra được lượng tìm kiếm mỗi tháng, CPC, dùng thêm chức năng spin bài viết và đăng bài lên diễn đàn. Thanh toán bằng thẻ cào điện thoại / chuyển khoản ngân hàng nên rất thuận lợi. Nếu bạn làm dự án nhỏ và bạn mới vào ngành SEO, đây là công cụ tốt nhất dành cho bạn.
– Nhược điểm là bạn phải nhập capcha thủ công mỗi khi công cụ check được khoảng 40 – 50 từ khóa. Nếu lượng từ khóa quá lớn, bạn sẽ tốn thời gian nhập capcha. Ngoài ra, nếu bạn làm trong công ty nhiều nhân viên dùng chung một đường truyền internet(10 – 30 người), bạn không nên dùng SpinEditor. Vì khi bạn kiểm tra từ khóa, Google sẽ gửi cảnh báo truy cập bất thường tới toàn bộ máy tính của đồng nghiệp bạn, từ đó làm ảnh hưởng hiệu suất làm việc của tập thể.
3. Google Search Console
– Ưu điểm là miễn phí, và dữ liệu lấy từ Google nên có độ chính xác cao (vị trí từ khóa được tính theo trung bình). Vị trí từ khóa được cập nhật trong phần Search Analytics.
– Nhược điểm là bạn chỉ kiểm tra được vị trí của tối đa 999 từ khóa (bạn có thể kết nối tài khoản Google Search Console với Google Analytics để khắc phục nhược điểm này), và thời gian Google Search Console cập nhật chậm từ 1 – 2 ngày so với thời điểm thực tế. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của Google Search Console là nó không báo từ khóa đang lên top với URL nào, mà bạn cần phải nhấp vào từng URL một để xem nhóm từ khóa đang lên hạng tương ứng. Nếu trang nhỏ, tầm 5 – 10 URL thì không sao, chứ nếu trang lớn tới cả trăm URL thì bạn không thể quản lý. Mà nếu không có thông tin URL, bạn sẽ không thể điều phối lại anchor text và liên kết nội bộ được tốt.
4. Helu Rank
– Ưu điểm là phần mềm cho bạn kiểm tra miễn phí 30 từ khóa mỗi ngày. Ngoài ra, bạn không phải nhập capcha (có thể do nhà phát triển đã mua capcha hỗ trợ bạn), giao diện đẹp và bản báo cáo vị trí từ khóa chuyên nghiệp. Chi phí cũng rất rẻ, 30k / tháng, tương đương với SpinEditor.
– Nhược điểm là tốc độ kiểm tra vị trí từ khóa chậm, vì phần mềm phải load thêm capcha trung gian. Phần thanh toán tự động đã bị vô hiệu hóa, máy chủ hay chập chờn và không có bộ phận hỗ trợ người dùng. Có thể Helu Rank đã không còn được nhà phát triển biến thành sản phẩm thương mại hóa, và chỉ còn dùng nó để xây dựng thương hiệu. Một điều tiếc nuối anh em SEOer Việt Nam.
5. Ahrefs
– Ahrefs có chức năng Rank Checker để giám sát từ khóa hỗ trợ bạn. Ưu điểm là khi bạn mua chung tài khoản Ahrefs (100 – 150k / tháng), bạn sẽ được dùng chức năng Rank Checker trong Ahrefs mà không tốn thêm tiền. Vị trí từ khóa được kiểm tra tự động trong 1 – 3 ngày, và số lượng từ khóa được kiểm tra lớn (1.000 từ bản Standard, 4.000 từ bản Advanced). Đặc biệt, Ahrefs cập nhật thêm các chỉ số về độ khó từ khóa, lượng tìm kiếm và CPC rất hữu ích cho bạn.
– Nhược điểm là Ahrefs là tài khoản dùng chung, nên tài khoản đăng nhập thường xuyên bị thay đổi ( 1-2 tuần). Mỗi khi tài khoản bị thay đổi, bạn sẽ phải tạo lại project để theo dõi từ khóa, từ đó có thể làm đứt đoạn quá trình theo dõi từ khóa. Ngoài ra, vì tài khoản dùng chung, nên thông tin từ khóa mục tiêu của dự án bạn sẽ không được bảo mật.
6. SerpLab
– Ưu điểm là phần mềm cho bạn kiểm tra miễn phí vị trí của 25 từ khóa, cập nhật mỗi ngày, và có biểu đồ xếp hạng. Nếu bạn kiểm tra nhiều hơn 25 từ khóa vẫn okie, nhưng thời gian kiểm tra sẽ bị chậm hơn. Ưu điểm lớn nhất của SERPLAB là nó có chức năng theo dõi vị trí từ khóa tự động (như Ahrefs), nên giúp bạn tiết kiệm được thời gian kiểm tra từ khóa.
– Nhược điểm SERPLAB là phần mềm nước ngoài, nên cần thanh toán bằng thẻ VISA / Paypal nếu bạn dùng phiên bản có phí. Giao diện tiếng Anh và không đẹp lắm, nên không thân thiện với người dùng Việt Nam như SpinEditor hay Ahrefs.
Ngoài các công cụ trên, còn có Authority Lab và Rank Checker.
Authority Lab cho bạn check vị trí từ khóa miễn phí tới 1.000 từ, nhưng cách cấu hình ban đầu rất khó chịu. Kết quả kiểm tra chỉ có vị trí từ khóa và URL, không có biểu đồ, lượng tìm kiếm lẫn CPC, nên bạn không đủ thông tin để tối ưu được tốt.
Rank Checker là phần mềm kiểm tra từ khóa cực kì ngon. Tuy nhiên, nếu dùng phiên bản miễn phí, bạn sẽ phải tốn thêm tiền mua proxy, tầm 5 USD / tháng từ Death Capcha. Nếu mua bản quyền, bạn sẽ được nhà cung cấp hỗ trợ proxy, nhưng chi phí mua phần mềm rất cao (125 USD bản Professional, 300 USD bản Enterprise), nên chỉ phù hợp với công ty / dịch vụ SEO lớn.
LỰA CHỌN CỦA QUANG
Để chọn công cụ kiểm tra vị trí từ khóa, Quang lựa chọn theo các tiêu chí sau:
– Độ chính xác cao. Hầu hết các công cụ đều có độ chính xác cao hơn cách kiểm tra thủ công. Nhiều bạn kiểm tra vị trí từ khóa bị sai kết quả vì bạn cấu hình chưa đúng cách. Bạn nên để ý các thông số sau: công cụ tìm kiếm (Google Việt Nam hay Google USA…), ngôn ngữ ( tiếng Việt hay tiếng Anh), phiên bản ( máy tính để bàn/ di động). Ngoài ra, vị trí từ khóa còn biến động theo từng thời điểm trong ngày (sáng khác, chiều khác) và vị trí địa lý (vị trí hiện tại / Việt Nam / nước ngoài…). Do đó, bạn nên lựa chọn ngay từ đầu mình dùng công cụ nào, cấu hình các thông số ra sao để kết quả sau này được nhất quán.
– Chi phí thấp. Nếu bạn giám sát số lượng từ khóa ít (<100 từ khóa), bạn có thể dùng các phần mềm miễn phí (như SERPLAB, Ahrefs, nếu đã mua chung tài khoản Ahrefs) hoặc có chi phí thấp như SpinEditor (30k/ tháng).
– Dễ sử dụng. SpinEditor là dễ dùng nhất, Ahrefs, SERPLAB đứng thứ hai. Vì quá khó sử dụng, nên Quang đã cho Authority Lab ra rìa.
– Tự động cập nhật. Ahrefs, SERPLAB, Rank Checker đều có chức năng tự động cập nhật vị trí từ khóa. Riêng SpinEditor, bạn cần phải làm thủ công (bấm nút khởi động và nhập capcha nếu cần). Với các dự án lớn, Quang không dùng SpinEditor, vì nó khiến Quang tốn nhiều công sức để kiểm tra từ khóa.
– Cập nhật đầy đủ các thông số. Các chỉ số bắt buộc cần phải có là vị trí xếp hạng, lượng tìm kiếm, URL và thời điểm cập nhật. Ngoài ra, nếu có thêm các chỉ số về CPC, độ khó từ khóa thì càng tốt. Ahrefs là đầy đủ nhất, SERPLAB và Rank Checker đứng thứ hai. Và vì Google Search Console không cập nhật đầy đủ URL, nên Quang không dùng nó để kiểm tra vị trí từ khóa.
– Kiểm tra được số lượng từ khóa lớn. Giả sử bạn phải kiểm tra khoảng hơn 1.000 từ khóa mỗi ngày, nếu dùng SpinEditor / Ahrefs bản Standard trở xuống là toi ngay. Lúc đó, bạn phải dùng công cụ chuyên dụng chỉ dùng riêng để kiểm tra từ khóa như SERPLAB hay Rank Checker. Ahrefs bản dùng chung cũng không phải lựa chọn tốt, vì có quá nhiều người dùng chung, khiến số lượng từ khóa bạn có thể giám sát bị giảm xuống.
– Có biểu đồ thứ hạng từ khóa. Bạn cần chức năng này để phát hiện sự bất thường và nhanh chóng xử lý tình huống. Hầu hết các công cụ đều có chức năng này, trừ Authority Lab.
– Có chức năng báo cáo kết quả tự động theo hàng ngày, dùng để báo cáo khách hàng / công ty.
Do đó, Quang có hai lựa chọn sau:
– Nếu kiểm tra số lượng từ khóa thấp (<100 từ khóa). Quang dùng SpinEditor. Dễ sử dụng, và chi phí thấp, 30k / tháng.
– Nếu kiểm tra số lượng từ khóa lớn và liên tục (>1.000 từ khóa). Quang dùng SERPLAB, bản có phí 5USD / tháng. Phiên bản này giúp Quang có thể kiểm tra tối thiểu 600 từ khóa mỗi ngày, và đáp ứng đủ các tiêu chí về tiết kiệm chi phí, khả năng kiểm tra vị trí từ khóa tự động, có các chỉ số về lượng tìm kiếm mỗi tháng, giá CPC, biểu đồ thứ hạng và gửi báo cáo tự động mỗi ngày.
Nếu bạn làm dịch vụ seo, và nhiều dự án hay số lượng từ khóa nhiều thì bạn cần mua các tài khoản trên về dùng riêng cho tiện dụng và an toàn.
Nguồn: Quang Silic
Đọc thêm: Thăng hạng nội dung website, hãy làm ngay 10 điều này